Tòa phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm chuyển từ nợ chung thành nợ riêng nhưng không thụ lý yêu cầu này... là vượt quá yêu cầu khởi kiện.
TAND TP.HCM vừa sửa một bản án giải quyết việc ly hôn và nợ chung vì có một yêu cầu của đương sự mà tòa sơ thẩm chưa thụ lý nhưng vẫn xét xử.
Tòa phúc thẩm cũng chỉ ra việc VKSND TP.HCM kháng nghị còn thiếu sót những vấn đề quan trọng.
Ông LDTh nộp đơn ly hôn bà LTT. Hai ông bà có tài sản chung là căn nhà đang thế chấp để vay 1,2 tỉ đồng. Ông Th. đề nghị tòa xử khoản vay còn lại là nợ riêng của bà T.
Bà T. không đồng ý ly hôn vì chồng bà chỉ nhất thời nông nổi.
Ngày 26-11-2019, TAND huyện Bình Chánh xử cho ông bà ly hôn, bà T. phải trả số nợ còn lại cho ngân hàng…
Bà T. kháng cáo mong đoàn tụ. VKSND TP.HCM thì kháng nghị về việc giải quyết nợ chung.
Tại phiên toà phúc thẩm, ngân hàng cho biết tòa sơ thẩm gửi giấy triệu tập tại chi nhánh nên ngân hàng không nhận được. Ngân hàng cũng không nhận được bản án nên nay mới biết nội dung vụ án.
HĐXX phúc thẩm đã sửa một phần án sơ thẩm với nhận định toà sơ thẩm chuyển nợ chung thành nợ riêng cho người vợ nhưng không thụ lý yêu cầu giải quyết nợ chung, không có yêu cầu độc lập giải quyết nợ của ngân hàng, buộc trả nợ khi hợp đồng tín dụng còn hiệu lực dẫn đến việc không tuyên nghĩa vụ nộp án phí là không đúng, vượt quá yêu cầu khởi kiện.
Kháng nghị chưa nêu được vấn đề toà sơ thẩm đã triệu tập không đúng đối tượng và vi phạm thủ tục tống đạt trực tiếp. Đó là toà sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi triệu tập “đại diện ngân hàng” và tống đạt văn bản này cho nhân viên của ngân hàng tại chi nhánh giao dịch, không đúng quy định của Điều 178 BLTTDS. Từ đó dẫn đến việc đại diện theo pháp luật của ngân hàng không tham gia trong suốt quá trình giải quyết của tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, xét quan hệ hôn nhân của ông Th. và bà T. không thể duy trì, việc VKS đề nghị huỷ một phần án sơ thẩm đối với nợ chung là không cần thiết vì yêu cầu này chưa được thụ lý.
Do đó, không cần huỷ án để giải quyết lại mà sửa án, không giải quyết vấn đề này. Tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp về nghĩa vụ thực hiện hợp đồng sẽ giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu và được thụ lý.
Xử vượt quá yêu cầu khởi kiện, bị hủy án Tháng 9-2011, TAND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã đưa vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà NTI và bị đơn là ông NTC, bà NTM ra xử sơ thẩm. |
Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.