Một hộ dân vất vả chờ tiền bồi thường thu hồi đất, ủy ban huyện thì cho rằng phần chủ đầu tư hỗ trợ thêm là ngoài chính sách bồi thường nên không có ý kiến.
Năm 2004, UBND huyện Củ Chi, TP.HCM thu hồi đất của gia đình ông Lê Văn Xồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, dự án do Công ty cổ phần Hòa Phú (gọi tắt là công ty) làm chủ đầu tư.
Hết thời hiệu khởi kiện
Tháng 11-2010, UBND huyện ban hành quyết định (QĐ) bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho ông Xồi hơn 254 triệu đồng. Ông Xồi không đồng ý vì cho rằng quá thấp.
Ngày 25-11-2011, công ty họp HĐQT thống nhất hỗ trợ thêm cho ông Xồi hơn 584 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện nên ông Xồi không đồng ý giao đất để làm dự án.
Tháng 5-2018, UBND huyện ban hành QĐ cưỡng chế thu hồi đất và Ban cưỡng chế UBND huyện vận động ông nhận bồi thường và bàn giao đất. Ông Xồi vẫn không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm hơn 584 triệu đồng theo biên bản đã thống nhất.
Sau đó, UBND huyện đã cưỡng chế thu hồi đất trong khi gia đình ông Xồi chưa nhận được khoản tiền bồi thường, hỗ trợ nào.
Một góc của dự án khu công nghiệp, trong đó có thu hồi đất của gia đình
ông Xồi. Ảnh: YC
Từ đó ông Xồi khởi kiện UBND huyện tại TAND TP.HCM. Tháng 8-2020, xử sơ thẩm, tòa tuyên đình chỉ yêu cầu hủy QĐ về bồi thường, hỗ trợ do đã hết thời hiệu và bác yêu cầu của ông Xồi về việc hủy bỏ QĐ cưỡng chế. Ông Xồi đã kháng cáo bản án này và đang chờ tòa xử phúc thẩm.
Ủy ban huyện nói gì?
Trước khi tòa sơ thẩm xét xử, gia đình ông Xồi có gửi đơn đến UBND huyện đề nghị cơ quan này có ý kiến để chủ đầu tư chi số tiền hỗ trợ thêm là hơn 584 triệu đồng.
Ngày 31-8-2020, UBND huyện có văn bản trả lời cho rằng năm 2011, hộ ông Xồi có một phần diện tích nằm trên phạm vi tuyến đường kết nối toàn bộ dự án và lối đi vào nhiều lô. Trong thời gian đó, các nhà đầu tư muốn tiến hành hợp đồng thuê đất để tiến hành đầu tư trên các lô đất trên.
Do đó, ngày 25-11-2011, Công ty Hòa Phú họp HĐQT chấp thuận hỗ trợ thêm số tiền trên ngoài phương án bồi thường để ông Xồi sớm bàn giao mặt bằng, đưa dự án vào khai thác. Tuy nhiên, ông Xồi không nhận tiền để bàn giao đất, kéo dài thời gian đến năm 2018 nên UBND huyện phải cưỡng chế.
Theo ủy ban, ngày 20-5-2020, công ty có văn bản cho rằng do gia đình ông Xồi không thực hiện đúng chủ trương của HĐQT nên công ty không hỗ trợ thêm khoản nào khác. Căn cứ nội dung này, UBND huyện cho rằng việc gia đình ông Xồi đề nghị công ty chi phần tiền hỗ trợ thêm hơn 584 triệu đồng là không thể giải quyết.
Công ty Hòa Phú thì cho rằng do ông Xồi không thực hiện đúng thỏa thuận và kéo dài thời gian bàn giao đất đến năm 2018, thuộc đối tượng phải cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời gây thiệt hại rất lớn cho công ty. Do đó, công ty không hỗ trợ thêm khoản chi phí nào khác ngoài phương án bồi thường được phê duyệt.
Để hiểu rõ hơn sự việc, PV đã liên hệ UBND huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngày 26-1-2021, UBND huyện có văn bản phản hồi với Pháp Luật TP.HCM.
Theo UBND huyện, việc đề nghị Công ty Hòa Phú chi phần tiền hỗ trợ thêm hơn 584 triệu đồng cho ông Xồi là không thể xem xét, giải quyết. Vì số tiền này do chủ đầu tư tự hỗ trợ ngoài chính sách bồi thường của dự án nên quyền quyết định thuộc phía công ty.
UBND huyện cho rằng việc trước đây công ty đã đồng ý hỗ trợ thêm cho ông Xồi là thỏa thuận giữa công ty với ông Xồi. Tuy nhiên, sau đó ông Xồi không thực hiện đúng theo thỏa thuận nên công ty không chi số tiền này. Số tiền hứa hỗ trợ thêm này không liên quan đến chính sách bồi thường tại phương án đã được phê duyệt nên nếu không thống nhất, ông Xồi có thể khởi kiện tại tòa án…
Chưa gặp được chủ đầu tư dự án Ngày 8-1, PV đã liên hệ Công ty Hòa Phú và được một phụ nữ giới thiệu tên h., làm ở bộ phận văn phòng tiếp. Tại đây, chị H. đã tiếp nhận các câu hỏi của PV nhưng khi liên hệ lại thì chị này cho biết đã báo giám đốc, tuy nhiên do công ty bận việc nên chưa thể sắp xếp và nói câu hỏi phải được soạn bằng văn bản có đóng dấu tòa soạn thì công ty mới trả lời. Sau đó, nhiều lần PV liên hệ với người này bằng điện thoại nhưng không được. |
Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.