Mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, khiến nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ giấy phép lái xe (GPLX) cũ để xin cấp lại vì chi phí thấp hơn đóng phạt nhiều lần.
* Sẵn sàng bỏ bằng lái vì mức phạt cao
Ngày 30-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020). Đáng chú ý, so với các quy định trước đây, nhiều hành vi vi phạm giao thông bị xử lý theo hướng tăng nặng mức phạt tiền và mức phạt bổ sung là tước GPLX có thời hạn.
Cụ thể, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất thì sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng (quy định cũ tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức xử phạt chỉ 16-18 triệu đồng), nếu là người điều khiển xe mô tô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6-8 triệu đồng (quy định cũ tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 3-4 triệu đồng). Ngoài ra, còn có các lỗi vi phạm như: chạy quá tốc độ (phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 12 triệu đồng), vượt đèn đỏ, đèn vàng, không chấp hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (phạt tiền từ 3-5 triệu đồng)…
Theo Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, mức phạt tăng rất cao đối với các lỗi vi phạm giao thông như trên nên nhiều người sẵn sàng bỏ GPLX. Số liệu thống kê xử phạt từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 8-2020 cho thấy, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt trên 5,5 ngàn trường hợp, đã có hơn 4,5 ngàn trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt và hiện còn gần 1 ngàn trường hợp không chấp hành.
Trong khi đó, quy định cũng như thủ tục về việc cấp GPLX hiện đã đơn giản và dễ dàng so với trước đây rất nhiều. Người xin cấp lại bằng lái xe chỉ cần làm đơn cớ mất rồi đến thực hiện thủ tục cấp lại GPLX tại cơ quan đã từng cấp bằng lái. Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, Sở GT-VT sẽ cấp lại GPLX cho người có yêu cầu nếu qua xác minh người này có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch; không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Tuy nhiên, thực tế rất khó để xác minh vấn đề này, bởi nhiều người bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này vẫn có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, dù các mức phạt đã tăng cao nhưng vẫn không đủ sức răn đe với một số người vi phạm, cố tình không chấp hành.
* Cần siết chặt hơn nữa
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sau khi lập biên bản xử lý, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ giấy tờ liên quan, chủ yếu là GPLX. Sau khi người vi phạm nộp phạt mới được nhận lại các loại giấy tờ này. Tuy nhiên, mức phạt cao hơn nhiều so với chi phí cấp mới GPLX nên một số người sẵn sàng bỏ luôn bằng lái xe.
Để ngăn chặn tình trạng bỏ và xin cấp lại GPLX sau khi vi phạm giao thông là vấn đề không đơn giản. Đối với các trường hợp quá thời hạn hẹn giải quyết mà người vi phạm chưa đến đóng phạt thì Phòng Cảnh sát giao thông đều gửi thông báo ngăn chặn đề nghị Sở GT-VT các địa phương không cấp mới GPLX cho các trường hợp đang bị tạm giữ.
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho hay, trong năm 2018, Sở GT-VT xây dựng phần mềm quản lý tước quyền sử dụng GPLX và ứng dụng Zalo thông báo ngày hết hạn GPLX. Khi người dân muốn được Sở GT-VT cấp lại GPLX bị mất thì Sở sẽ tiến hành xác minh thông tin. Nếu đúng như trong đơn xin cấp lại (không phải bị thu giữ) thì sau 2 tháng nộp hồ sơ sẽ được cấp lại GPLX. Trường hợp GPLX hết hạn thì ứng dụng Zalo sẽ gửi thông báo đến điện thoại để người dân biết và tiến hành đi đổi GPLX.
Mọi thông tin liên quan đến các trường hợp xin cấp lại GPLX đều được lưu giữ trên hệ thống để tra cứu khi cần thiết. Người dân đến Phòng Quản lý người lái Sở GT-VT hay các trung tâm đăng ký thi sát hạch để xin cấp GPLX mới thì cơ quan này sẽ nhanh chóng rà soát trên hệ thống. Từ đó, có thể phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không.
“Hiện nay, giữa 2 ngành GT-VT và Cảnh sát giao thông đã liên thông với nhau nhằm phát hiện ra những trường hợp gian dối trong xin cấp GPLX. Thông qua sự “kết nối” này, cơ quan chức năng sẽ biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này” - ông Đông nói.
Nguồn: Báo Đồng Nai