Khởi kiện ba người để đòi đất nhưng tại tòa, vợ chồng nguyên đơn cho rằng không biết những người này là ai. Tòa sơ thẩm chưa lấy lời khai nhưng vẫn tuyên án.
VKSND tỉnh Bình Phước vừa ra thông báo rút kinh nghiệm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất bị tòa phúc thẩm hủy án để giải quyết lại.
Năm 2014, gia đình Thị Ch Heng được cấp đất theo dự án 1592 cho hộ các đồng bào nghèo, diện tích 6.595,5 m2, tọa lạc tại xã Lộc Thanh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.
Ngày 9-3-2018, bà được UBND huyện Lộc Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất trên.
Tháng 12-2016, khi vào thăm đất, bà phát hiện vợ chồng ông Nguyễn Đắc Lợi, bà Nguyễn Thị Mướt, ông Nguyễn Văn Nhiều lấn chiếm đất của gia đình mình.
Quá trình hòa giải cơ sở, vợ chồng ông Lợi, bà Mướt đồng ý trả lại phần đất đã lấn chiếm, còn ông Nhiều không đồng ý trả. Do đó, bà Heng khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông Nhiều trả lại đất lấn chiếm cho bà.
Tuy nhiên, ông Nhiều đã giao một phần đất trên cho ông Vũ Thanh Tâm và ông Hồ Văn Út nên bà khởi kiện bổ sung yêu cầu tòa buộc các ông Nhiều, Tâm, Út trả lại phần đất đã lấn chiếm.
Ngày 17-6-2020, TAND huyện Lộc Ninh xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Tòa buộc ông Nhiều với bà Nguyễn Thị Tưa, ông Tâm, ông Út trả lại cho hộ bà Heng diện tích đất lấn chiếm lần lượt là 2.917,5 m2, 627,2 m2, 1.050 m2 và tài sản trên đất.
Bà Heng phải hoàn trả lại cho ông Nhiều, ông Út lần lượt là hơn 184,7 triệu đồng và gần 24,3 triệu đồng.
Ông Nhiều kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm bác yêu cầu của bà Heng.
Ngày 15-12-2020, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
VKSND tỉnh Bình Phước nhận thấy vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
VKS cho rằng ông Nhiều, Út, Tâm là bị đơn nhưng tòa sơ thẩm xác định ông Út, ông Tâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa chính xác.
Về xác minh thu thập chứng cứ, tòa sơ thẩm cũng không làm việc được với ông Tâm để xác định xem ông có phải là người đang quản lý, sử dụng diện tích đất 627,2 m2 hay không. Do đó, việc bản án sơ thẩm tuyên buộc ông Tâm phải trả lại cho bà Heng diện tích đất trên là chưa đủ cơ sở vũng chắc và gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Tòa cấp sơ thẩm không tiến hành lấy lời khai để làm rõ nguồn gốc đất, quá trình chuyển nhượng giữa các bên, đồng thời đưa con gái ông Nhiều tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có thiếu sót.
Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Heng cùng chồng là ông Lâm Tơn xác định vợ chồng bà không biết đọc, viết, khả năng nghe, hiểu và nói tiếng phổ thông rất hạn chế.
Từ thời điểm được Nhà nước cấp đất, bà Heng, ông Tơn không trực tiếp quản lý, sử dụng đất; không biết các ông Nhiều, Út, Tâm là ai và không khởi kiện cũng như không tranh chấp gì với những người này.
Bà Heng cho biết có “lăn tay” vào một số văn bản, nhưng không biết nội dung văn bản là gì, mọi việc đều do ông Phùng Hoàng Tân (đại diện theo ủy quyền của bà Heng, có đất giáp với đất của ông Nhiều) thực hiện. Vợ chồng bà Heng không biết gì hết.
Bà Heng, ông Tơn trình bày có nhận của ông Tân 18,5 triệu đồng và cho ông Tân thuê diện tích đất được cấp để chăn bò. Đối với thửa đất tranh chấp, bà Heng, ông Tơn cũng hông biết là đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa.
Bà Heng, ông Tơn cũng không ký thế chấp GCNQSDĐ trên để vay ngân hàng. Bà Heng, ông Tơn yêu cầu ông Tân trả lại GCNQSDĐ cho gia đình bà.
Như vậy rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu khởi kiện đã được tòa cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết với nội dung bà Heng, ông Tơn trình bày. Mâu thuẫn này chưa được cấp sơ thẩm xác minh làm rõ.
Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.