Cựu phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Lý bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây thất thoát ngân sách gần 4 tỉ đồng.
Sau thời gian nghị án kéo dài, ngày 12-11, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án vụ Nguyễn Hữu Lý (cựu phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp) cùng kế toán thiếu trách nhiệm gây thất thoát ngân sách gần 4 tỉ đồng.
Gây thất thoát hơn 3,7 tỉ đồng
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Lý và Võ Thị Tuyết Nhung (cựu phó trưởng phòng Tài chính - kế hoạch thuộc Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp) mỗi người ba năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Nguyễn Hoài Dương (giám đốc Công ty TNHH TMXD Mỹ thuật Tượng đài Ánh Dương) bị tòa tuyên phạt 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hai năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải thi hành là 13 năm tù.
Ba bị cáo tại tòa (bị cáo Lý ở giữa). Ảnh: HD
Theo cáo trạng, tháng 12-2014, Nguyễn Hoài Dương đại diện cho Công ty TNHH TMXD Mỹ thuật Tượng đài Ánh Dương ký hợp đồng với Ban quản lý khu di tích (BQL KDT) Gò Tháp thi công xây dựng công trình tu bổ miếu thờ Bà chúa Xứ. Giá trị hợp đồng là hơn 7,3 tỉ đồng.
Để đảm bảo thực hiện hợp đồng và nhận tiền tạm ứng, Dương đã làm giả hai chứng thư với số tiền hơn 4 tỉ đồng nộp cho BQL KDT để rút tiền. Nhận tiền, Dương chỉ sử dụng số ít để xây dựng cầm chừng công trình. Ngoài ra, Dương còn làm giả thẻ tiết kiệm và chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Tổng cộng, Dương chiếm đoạt ngân sách hơn 3,7 tỉ đồng.
Tại tòa, cả ba bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội. Cụ thể, bị cáo Dương cho rằng mình thuê người làm giả các chứng thư bảo lãnh và thẻ tiết kiệm chứ không trực tiếp làm giả. Bị cáo chỉ phạm tội sử dụng tài liệu giả.
Ngoài ra, bị cáo Dương cũng không thừa nhận tội lừa đảo. Dương cho rằng việc sử dụng các tài liệu giả là để được thi công công trình. Số tiền tạm ứng bị cáo có sử dụng thực hiện công trình. Việc công trình chậm trễ là do lỗi của ngành chức năng, thiết kế có sai sót. Nếu có vấn đề phát sinh quan hệ giữa nhà thầu và BQL thì chỉ là quan hệ dân sự…
Bị cáo Lý và Nhung cũng cho rằng bản thân đã làm hết trách nhiệm.
Sử dụng tài liệu giả lấy tiền ngân sách
HĐXX nhận định các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người liên quan và kết quả tranh tụng tại phiên tòa cho thấy có đầy đủ căn cứ buộc tội các bị cáo như trên. Cụ thể, qua điều tra và bị cáo Dương cũng thừa nhận đã thuê người làm giả các tài liệu.
Tuy nhiên, trong quá trình này Dương đã soạn thảo mẫu, thông tin để người khác làm giả. Điều này chứng tỏ bị cáo đã tham gia vào một khâu rất quan trọng. Do đó, có đủ căn cứ xác định Dương phạm tội làm giả. Hơn nữa, Dương nhiều lần sử dụng các tài liệu giả nộp cho cơ quan chức năng nên cũng phạm vào tội sử dụng tài liệu giả.
Đối với hành vi làm giả của Dương, để được nhận lại tiền tạm ứng, bảo lãnh hợp đồng, Dương đã nộp các tài liệu giả nêu trên. Bị cáo biết rằng không nộp các tài liệu giả thì sẽ không nhận được tiền thực hiện theo hợp đồng. Do đó, hành vi của Dương phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính và tài sản của Nhà nước. Do đó, HĐXX cho rằng cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để răn đe.
Đồng thời, HĐXX nhận định bị cáo Lý và Nhung đã thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo kiểm tra tính hợp pháp các chứng thư, thẻ tiết kiệm do Dương cung cấp, để Dương chiếm đoạt tiền ngân sách; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức…
Tuy nhiên, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, nhân thân tốt… nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xử phạt mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Do đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.
Nguồn: Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh